Chuẩn bị chiến tranh với Nga Karl XII của Thụy Điển

Đối với những vùng đất bị Quân đội Thụy Điển chinh phạt, nhà vua ra sức đàn áp nhân dân hết sức tàn khốc.[54] Việc truất phế vua Ba Lan Augustus II đã loại ra bên thứ hai trong số liên minh ba bên chống Thụy Điển. Bây giờ, bị đơn độc phải đối mặt với vua Karl XII, Nga hoàng Pyotr I tăng cường nỗ lực để dàn hòa với Karl, hoặc nếu việc này thất bại, tìm kiếm đồng minh khác hầu giúp tránh cho nước Nga một chiến bại thảm hại mà Tây Âu đều nghĩ sẽ không tránh khỏi.

Vua Karl XII qua nét vẽ của David Klöcker Ehrenstrahl (1697).

Trong việc kiếm tìm một trung gian hoặc một đồng minh, Nga hoàng Pyotr I tiếp xúc cả Hà Lan, Phổ, Đan Mạch, Pháp, Anh, để nhờ làm trung gian giúp thuyết phục vua Thụy Điển chấp nhận hòa hoãn với nước Nga Sa hoàng, nhưng đều thất bại: không nước nào muốn can dự vào. Với việc vua Karl XII chinh phạt xứ Sachsen, ông đã đặt chân lên Đế quốc La Mã Thần thánh, và do đó các nước Tây Âu nghĩ rằng ông sẽ tham gia cuộc chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha tàn khốc. Cả Pháp lẫn Đại Liên quân đều cứ sứ giả đến yết kiến ông, vì muốn ông về phe họ. Với chiến thắng lừng lẫy của ông, điều chắc chắn rằng, ông mà tham gia phe nào thì phe đó sẽ nhanh chóng giành chiến thắng.[55]

Vào tháng 4 năm 1707, Tổng tư lệnh của Đại Liên quân là John Churchill, Quận công Marlborough thứ nhất đến yết kiến nhà vua Thụy Điển, vì Churchill lo sợ nhà vua sẽ kéo 50.000 đại quân Thụy Điển sâu vào Đế quốc La Mã Thần thánh. John Churchill đã khuyên ông nhất quyết không nên gia nhập Liên quân thân Pháp. Trên thực tế, John Churchill muốn ông tiến về phía Đông mà phạt Nga Sa hoàng - đúng ý muốn của ông. Vào tháng 9 năm 1707, Hoàng đế La Mã Thần thánh là Joseph I nhà Habsburg tiến hành ký kết với ông bản Hiệp định Altranstädt lần thứ hai, theo đó: ông không tham gia liên quân thân Pháp trong cuộc chiến tranh tàn khốc ở Tây Âu,[56] nhưng Hoàng đế Joseph I phải công nhận Stanislaw I mãi mãi là vua Ba Lan - Litva. Vua Karl XII cũng có thể được Hoàng đế giúp đỡ trong các cuộc chiến tranh ở những lãnh thổ thuộc Đức nằm trong tay ông.[55]

Quốc vương Karl XII nhất quyết từ chối xem xét việc đàm phán với nước Nga Sa hoàng. Khi có đề nghị rằng nhà vua Nga có thể trả tiền bồi thường cho Thụy Điển nhằm giữ lại một phần lãnh thổ nhỏ ven bờ Baltic đã chiếm được, nhà vua Thụy Điển trả lời rằng ông không muốn bán thần dân của ông ở Baltic để lấy tiền Nga. Khi Nga đề nghị trả lại tất cả Livonia, EstoniaIngria ngoại trừ Sankt-Peterburg, Schlüsselburg/Nöteborg và sông Neva nối hai nơi này, ông đã tuyên bố một cách phẫn nộ:

Ta thà hy sinh người lính Thụy Điển cuối cùng còn hơn là nhượng bộ Nöteborg.

— Karl XII

Trong giai đoạn mà Pyotr đề xuất các điều kiện hòa bình và Karl bác bỏ các đề xuất này, có sự khác biệt giữa đôi bên không thể nào hòa giải được: Sankt-Peterburg. Pyotr có thể từ bỏ mọi thứ miễn là được giữ Sankt-Peterburg để có lối cho Nga thông ra biển. Vua Karl XII không muốn từ bỏ thứ gì mà trước tiên chưa đánh gục được quân Nga. Vì thế, chiến tranh sẽ tiếp tục trên danh nghĩa Sankt-Peterburg – lúc này chỉ mới là một số ngôi nhà gỗ, một pháo đài xây bằng đất và một bến cảng thô sơ.

Thật ra, việc hòa đàm đối với ông là một điều phi lý. Đang ở trên đỉnh vinh quang, với cả châu Âu đang cầu cạnh, với một Quân đội được huấn luyện cực kỳ nhuần nhuyễn và luôn chiến thắng, với chiến lược thần kỳ đã được theo đuổi một cách thành công cho đến thời điểm này, tại sao lại nhường lãnh thổ Thụy Điển cho kẻ thù? Đối với vua Karl XII, để mất các tỉnh đang nằm ngay sau lưng đoàn quân mà tiên vương hai bên – vua Thụy Điển Karl XII và Sa hoàng Aleksei I năm xưa – đã ký kết chính thức thuộc về Thụy Điển là điều làm mất danh dự và nhục nhã. Cuối cùng, trong bản chất của vua Karl XII còn có một yếu tố là hành động theo mệnh trời: phải trừng trị vua Pyotr I như đã trừng trị Tuyển hầu tước Augustus II; Sa hoàng phải thoái vị khỏi ngai vàng nước Nga. Không những thế, ông còn nói đến việc phục hồi chế độ cũ của Nga, xóa bỏ những cải tổ và, trên tất cả, giải tán Quân đội mới để đập tan sức mạnh của Nga Sa hoàng.